Năm học 2024 - 2025, theo đề thi minh họa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Từ năm 2025, các thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn, bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Thực hiện Kế hoạch năm học 2024 - 2025, Kế hoạch số 2941/KH-SGDĐT ngày 23/8/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc tổ chức các chuyên đề đổi mới kiểm tra, đánh giá theo phát triển năng lực, nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội, sáng ngày 14/12/2024 liên cụm trường THPT Đống Đa - Thanh Xuân - Cầu Giấy đã tổ chức các chuyên đề đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Hình ảnh. Đồng chí Đặng Trần Xuân - Phó trưởng phòng Giáo dục trung học phát biểu khai mạc chuyên đề môn Ngữ văn tại trường THPT Quang Trung - Đống Đa.
Tham dự chuyên đề có các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các lãnh đạo, chuyên viên phụ trách của Phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đại diện lãnh đạo các nhà trường và giáo viên giảng dạy cụm trường THPT Đống Đa - Thanh Xuân - Cầu Giấy.
Các chuyên đề đã tập trung nghiên cứu, phân tích cấu trúc, mức độ, yêu cầu của đề kiểm tra, đánh giá năng lực theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, định hướng ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025 ở các bộ môn: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học. Những phân tích, trao đổi ở các chuyên đề đã giúp giáo viên có nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn trong việc thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá phát triển năng lực người học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, những băn khoăn, thắc mắc của các thầy cô khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới cũng đã được giải đáp.
Đây là dịp để các thầy cô có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kiểm tra, đánh giá theo năng lực và điều chỉnh quá trình dạy học ở các bộ môn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hình ảnh. Đồng chí Hà Lam Sơn - chuyên viên môn Vật lí trao đổi chuyên môn tại trường THPT Cầu Giấy.
Các chuyên đề rất thiết thực đối với giáo viên và đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thành công của các chuyên đề đã minh chứng cho quyết tâm đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, nâng cao chất lượng dạy học tại cụm các trường THPT Đống Đa - Thanh Xuân - Cầu Giấy. Cụm các nhà trường đều mong muốn tiếp tục có thể tổ chức các chuyên đề tương tự ở các năm học tiếp theo nhằm giải quyết đỡ các khó khăn cho các giáo viên khi đứng lớp góp phần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học tại các nhà trường nói riêng và trên toàn thành phố nói chung.